Ngày 21/12, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến. Ảnh: Minh Quân
Theo đó, tổ chức chương trình bình ổn thị trường đối với các nhóm mặt hàng thiết yếu; nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết nguyên đán; nhóm hàng thiết yếu phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn. Thời gian thực hiện: 5 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán (từ tháng 12/2021 đến hết tháng 4/2022).
Đối tượng tham gia chương trình bình ổn thị trường là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các quy định pháp luật khác có liên quan, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của chương trình. Tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của chương trình. Thông qua chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích thúc đẩy phát triển mạng lưới phân phối, bán lẻ nhằm đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng thuận lợi, nhanh chóng; đặc biệt là người tiêu dùng là công nhân tại các khu công nghiệp, người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch này, UBND tỉnh cũng đưa ra các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu; phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm theo dõi, đánh giá cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao để chủ động có phương án cụ thể đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán./.