Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và các Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành. Hội nghị kết nối trực tuyến đến tất cả các huyện, thị, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Phước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội nghị
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, tỉnh Bình Phước đã có những động thái rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, đến nay đã gia hạn thuế cho hơn 460 doanh nghiệp với tổng số tiền 663 tỷ đồng; giảm mức thu 30 loại phí và lệ phí khoảng 50 tỷ đồng…
Tuy nhiên để thực hiện được “mục tiêu kép”, các doanh nghiệp cho biết vẫn còn nhiều vấn đề cần tỉnh tháo gỡ. Trong đó, điển hình nhất là việc vận chuyển, lưu thông nguyên vật liệu cho sản xuất vẫn gặp khó vì mỗi địa phương thực hiện mỗi kiểu, do mức độ phòng, chống dịch theo vùng khác nhau….
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền chia sẻ với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mà các doanh nghiệp đang phải đối diện
Trao đổi với phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) bên lề hội nghị, ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Sơn I cho biết: Với công ty chuyên sản xuất, kinh doanh hạt điều như chúng tôi, trong thời điểm hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu gặp nhiều khó khăn, nhất là những mặt hàng được cho là ngoài danh mục thiết yếu. Trong khi để sản xuất, xuất khẩu như doanh nghiệp chúng tôi cần rất nhiều mặt hàng, nguyên vật liệu liên quan. Những vật liệu liên quan đó không là thiết yếu và không vận chuyển được thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng toàn diện.
Không dừng lại ở đó, có doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiết bị, máy móc hư hỏng trong thời điểm này không thể thay thế và buộc phải “trùm mền”…
Ông Huỳnh Thành Chung, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước nêu những khó khăn trong trong việc thực hiện “mục tiêu kép” với lãnh đạo tỉnh
Ông Lương Văn Hiển, Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Phúc Thịnh cho biết: Là doanh nghiệp chế biến gỗ có nhiều máy móc công nghiệp, khi thiết bị hư hỏng nhưng không thể mua linh kiện để thay thế. Lý do là các mặt hàng này đều ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Tuy nhiên, các địa phương này đang phong tỏa tạm thời nên doanh nghiệp đành chịu và không thể sản xuất hết công suất được.
Vấn đề mà nhiều doanh nghiệp tham gia hội nghị mong mỏi nhất là cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho lực lượng lao động. Nếu được, một số công ty sẽ sẵn sàng hỗ trợ thêm kinh phí để có đủ lượng vắc xin tiêm cho công nhân của mình.
Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng cho biết, trong quá trình thực hiện phương châm “3 tại chỗ” để vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch thì chi phí sản xuất đã tăng lên đáng kể. Đây chính là bài toán khó của các doanh nghiệp Bình Phước trong thời điểm hiện nay.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: Mặc dù quá trình thực hiện “3 tại chỗ” sẽ phát sinh những vướng mắc nhưng đây chính là mắt xích quan trọng để Bình Phước kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Do đó rất cần các doanh nghiệp đồng lòng thực hiện và chia sẻ.
Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn cả cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp càng khó khăn, càng phức tạp thì càng đoàn kết, “biến nguy thành cơ” để cùng phát triển.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết, tỉnh luôn nỗ lực bằng mọi cách không để đứt gãy chuỗi sản xuất nhưng vẫn đặt sức khỏe, sự an toàn của nhân dân lên hàng đầu. Do đó, tỉnh vẫn sẽ tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”. Trong thời gian tới, dựa vào thực tế, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19, Bình Phước sẽ có phương án linh hoạt hơn nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” đã đề ra./.
Tác giả: Theo Đài PT-TH&BBP
Ý kiến bạn đọc