Hiện nay dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới với nhiều biến thể phụ ra đời; dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào, tiêm chủng các mũi nhắc lại để củng cố miễn dịch là biện pháp kịp thời.
Số ca mắc mới vẫn còn cao, nguy cơ xâm nhập các biến thể mới
Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 của Việt Nam đã giảm mạnh nhưng hiện vẫn còn hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày.
Đặc biệt, những ngày gần đây, số ca mắc mới lại đang có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Đơn cử như ngày 22/6, cả nước ghi nhận 888 ca mắc mới; trong khi các ngày trước đó là 748 ca mới (ngày 21/6), 521 ca mới (ngày 20/6)…
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng cảnh báo, hiện biến thể phụ BA.5 của biến chủng Omicron đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới nhận định, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của COVID-19 có thể làm dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại; trong đó Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, với diễn biến dịch bệnh trên thế giới như hiện nay, có thể xảy ra các tình huống là: Chủng virus vẫn tiếp tục biến đổi nhưng đã có miễn dịch cộng đồng nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng; và tình huống biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Tiêm vaccine nhắc lại để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh
Đến ngày 23/6, số mũi vaccine phòng COVID-19 đã tiêm trên cả nước là gần 15 triệu mũi bổ sung; mũi nhắc lại là trên 44 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 là trên 2,6 liều.
Theo Bộ Y tế, tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, nhất là tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi hiện còn chậm. Nhiều địa phương có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine COVID-19, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó có việc tiêm vaccine tăng cường, tiêm nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh là rất quan trọng; cần tiếp tục truyền thông để người dân có ý thức phòng, chống dịch.
Trong khi đó, hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không muốn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sau khi đã mắc và khỏi bệnh; người dân không được cung cấp thông tin cụ thể về việc người đã tiêm chủng đủ các liều cơ bản vẫn cần tiêm nhắc lại do miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giảm theo thời gian, họ vẫn có nguy cơ mắc bệnh hoặc tái nhiễm khi có biến chủng xuất hiện.
Đặc biệt, đáng lo ngại là hiện một số địa phương xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nhất là đối với việc tiêm vaccine, nhiều nơi sợ trách nhiệm, không tiếp nhận vaccine phòng COVID-19. Công tác vận động, huy động người dân tham gia tiêm chủng tại địa phương cũng còn chưa hiệu quả...
Trước tình hình như hiện nay, Bộ Y tế đang liên tục nhắc nhở các địa phương triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) để đảm bảo công tác phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân trước nguy cơ có thể xuất hiện và gia tăng dịch COVID-19 nếu các biến chủng mới xâm nhập.
Bởi nếu người dân không tiêm nhắc lại, miễn dịch do vaccine tạo ra trước đó bị giảm dần, nguy cơ mắc bệnh và trở nặng có thể xảy ra.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng.
Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng; xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19./.
Tác giả: Theo Báo Tin Tức
Ý kiến bạn đọc