Toàn quốc đã tiêm được khoảng 223 triệu mũi vaccine phòng COVID-19
Trong thời gian qua, ngành y tế, đặc biệt là các đơn vị y tế dự phòng đã tích cực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng trên cả nước. Tính đến ngày 10/6, toàn quốc đã tiêm được khoảng 223 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 trong đó gần như 100% người từ 12 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 2 liều cơ bản.
Tỷ lệ tiêm nhắc lần 1 - mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt khoảng 63%. Hiện nay Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tiêm nhắc lần 2 - mũi 4 và một số địa phương đã bắt đầu triển khai. Đồng thời, các địa phương đang tích cực tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Với tỷ lệ tiêm chủng cao và khống chế dịch bệnh tốt, các hoạt động hàng ngày của cuộc sống cơ bản đã trở về bình thường và chúng ta có thể tổ chức được hội nghị trực tiếp như ngày hôm nay.
Thông tin trên được GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW đưa ra ngày 10/6 tại hội thảo sơ kết hoạt động năm 2021 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2022 của Dự án "Hỗ trợ triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam năm 2021-2023" do Chính phủ Úc và UNICEF hỗ trợ.
Cũng theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, sự thành công của chiến dịch tiêm chủng trên là thành quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban, Ngành, đặc biệt là sự nỗ lực, hy sinh, tận tụy của các cán bộ y tế và sự động viên, hỗ trợ to lớn và quý báu của các tổ chức quốc tế trong đó có Chính phủ Úc và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).
Theo GS.TS Đặng Đức Anh, dịch COVID-19 hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vẫn đang tiếp tục cho các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vaccine đang gặp một số khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là sự từ chối tiêm chủng từ phía người dân, đòi hỏi các địa phương cần tích cực và tăng cường hơn nữa công tác tiêm chủng |
Các địa phương phải tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lưu động hoặc tiêm chủng tại nhà
Phát biểu tại hội thảo, ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình sống còn, phát triển và môi trường, UNICEF tại Việt Nam nhớ lại tháng 8 năm 2021, dự án phải triển khai họp theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên đến nay các đại biểu đã được gặp nhau trực tiếp.
"Có được kết quả này là phải kể đến những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của hệ thống y tế Việt Nam trong việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc"- ông Maharajan Muthu nói.
Theo ông Maharajan Muthu, những thành công mà ngành y tế đã đạt được không chỉ thể hiện qua tỷ lệ tiêm chủng rất ấn tượng khi Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới mà còn thể hiện ở chỗ các ca bệnh COVID-19 nặng và tử vong đã giảm mạnh trong thời gian qua.
"Ví dụ tỷ lệ tử vong đã giảm từ 2,4% vào những tháng cuối năm 2021 xuống còn 0,4% vào cuối tháng 5/2022"- ông Maharajan Muthu dẫn chứng.
Tuy nhiên ông Maharajan Muthu cũng nêu thực trạng công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong giai đoạn này đã khác trước, người dân đã bắt đầu chủ quan và coi nhẹ nguy cơ của bệnh dịch nên nhu cầu tiêm vaccine COVID-19 giảm rõ rệt.
Chúng ta cần hiểu rằng mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vaccine hay do đã mắc COVID-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian và cần được khôi phục bằng cách tiêm mũi bổ sung. Đối với trẻ em mặc dù các triệu chứng của COVID-19 nhẹ hơn so với người lớn nhưng các em phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ông Maharajan Muthu nói. |
Trưởng Chương trình sống còn, phát triển và môi trường, UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta không thể vì chủ quan mà đánh mất những thành công đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Do đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông trong đó bao gồm truyền thông tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm chủng vaccine COVID-19; đồng thời, các địa phương tăng cường triển khai tiêm chủng lưu động hoặc tiêm chủng tại nhà nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vaccine cho người dân, đặc biệt là người đi lại khó khăn, người cao tuổi…
Chuyên gia này cũng lưu ý việc tiêm chủng các loại vaccine khác đúng lịch, đúng độ tuổi để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ./.
Tác giả: Sức khỏe và Đời sống
Ý kiến bạn đọc