OAZLO

Truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2023-2024

Thứ ba - 25/04/2023 21:22 1.004 0
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1924/QĐ-BYT ngày 20/4/2023 về ban hành Kế hoạch định hướng công tác truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam năm 2023-2024. Thời gian thực hiện từ tháng 4/2023 - 12/2024.
 

Kế hoạch nhằm tăng cường truyền thông các chủ trương, chính sách của Chính phủ về thúc đẩy mạnh mẽ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, góp phần hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Truyền thông về hiệu quả của Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam, những nỗ lực của Chính phủ, các lực lượng chống dịch, sự tham gia, ủng hộ của người dân trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nói riêng và phòng dịch COVID-19 nói chung.

Đồng thời, truyền thông vận động người dân tích cực, chủ động tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, đúng đối tượng theo khuyến cáo của ngành y tế; tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức, chú trọng truyền thông thông qua các ứng dụng công nghệ và truyền thông trên nền tảng mạng xã hội.

Trong kế hoạch, Bộ Y tế đề ra 7 nội dung trọng tâm cần truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam năm 2023-2024.

Một là, truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, UBND các cấp về công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Hai là, truyền thông vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhằm để phòng chống dịch”; khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đúng đối tượng theo khuyến cáo của ngành y tế bao gồm: Cập nhật, cung cấp các thông tin khoa học về hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 trong phòng chống dịch, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam. Cập nhật xu hướng, khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới và dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 hàng năm.

Truyền thông về nguy cơ, ảnh hưởng của việc mắc bệnh COVID-19 và hội chứng hậu COVID-19 đến bệnh nền, sức khỏe, sự phát triển... ở các nhóm đối tượng khác nhau; xu hướng xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2; tiêm vắc xin phòng COVID-19 là giải pháp chiến lược “chủ lực” giúp kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả; hiệu quả của vắc xin giúp giảm chuyển bệnh nặng và tử vong khi bị nhiễm COVID-19. Trong năm 2023, tập trung truyền thông vận động các bậc cha mẹ/người chăm sóc trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đưa con đi tiêm chủng đủ liều cơ bản vắc xin phòng COVID-19; cập nhật thông tin về tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam.

Truyền thông kế hoạch tiêm chủng quốc gia và tại địa phương; đổi mới hình thức, cập nhật các thông điệp, khuyến cáo về vắc xin và lịch tiêm chủng, đối tượng tiêm chủng, các hướng dẫn khi đi tiêm chủng và theo dõi sức khỏe sau khi tiêm chủng... đến các nhóm đối tượng đích. Vận động người dân chủ động tham gia hoạt động truyền thông về tiêm chủng vắc xin, hỗ trợ ngành y tế và các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tiêm chủng.

Ba là, truyền thông về công tác cung ứng vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo an toàn tiêm chủng, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức... trong triển khai tiêm chủng trên toàn quốc, tại các địa phương.

Bốn là, xây dựng các câu chuyện, các sự kiện liên quan đến truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng để tăng cường truyền thông đến các nhóm đối tượng đích.

Năm là, thực hiện quản trị thông tin, theo dõi thông tin dư luận, báo chí và mạng xã hội, cung cấp thông tin khoa học, kịp thời để phối hợp các cơ quan chức năng phản bác, xử lý tin giả, tin đồn liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo đúng quy định.

Sáu là, nâng cao năng lực truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các cơ quan báo chí, các cán bộ y tế và các lực lượng tham gia chiến dịch tiêm chủng: tổ chức đào tạo, tập huấn; xây dựng và cung cấp các tài liệu truyền thông, các hướng dẫn chuyên môn dành cho cán bộ y tế, cán bộ tiêm chủng.

Bảy là, phát hiện, nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện tiêm chủng an toàn, đạt hiệu quả cao.

Bộ Y tế yêu cầu công tác truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 phải có sự theo dõi, bám sát tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam, cung cấp các thông tin khoa học về phòng chống dịch, tiêm chủng vắc xin COVID-19, hiệu quả, tác dụng của vắc xin để kịp thời xây dựng tài liệu, thông điệp, khuyến cáo phù hợp, khoa học, chính xác để thực hiện truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, an toàn.

Thường xuyên theo dõi thông tin dư luận, báo chí, mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý các tin giả, tin đồn liên quan đến tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Kịp thời phát hiện, nêu gương các cá nhân, tập thể có thành tích, các mô hình vận động có hiệu quả người dân chủ động tham gia công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, qua đó khuyến khích người dân tiếp tục tham gia tiêm chủng.

Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xây dựng kế hoạch truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, có thể lồng ghép trong kế hoạch phòng chống dịch và chủng vắc xin phòng COVID-19, bố trí nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, kinh phí) để thực hiện đạt hiệu quả. Tăng cường truyền thông trên các cơ quan báo chí địa phương về kế hoạch và triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại địa phương và trên toàn quốc như: xây dựng các tin, bài, phóng sự, chương trình truyền hình, chương trình phát thanh, tọa đàm, giao lưu trực tuyến...; mời phóng viên các cơ quan báo chí tham gia các hoạt động tiêm chủng để kịp thời đưa tin, phản ánh kết quả tiêm chủng tại địa phương. Sử dụng các sản phẩm truyền thông của Bộ Y tế (bài viết, phóng sự, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, chương trình truyền hình, phát thanh...), biên tập phù hợp để đăng tải trên các cơ quan báo chí địa phương.

Truyền thông trên mạng xã hội của địa phương (Facebook, Zalo, Viber, Youtube, TikTok, Lotus...) về kế hoạch triển khai tiêm chủng tại địa phương, các khuyến cáo, thông điệp tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, đầy đủ, đúng lịch, giải đáp các thắc mắc, câu hỏi của người dân, bác bỏ thông tin sai sự thật, tin đồn, tin giả về vắc xin phòng COVID-19; thông qua đăng tải các tài liệu truyền thông của Bộ Y tế cung cấp và đã được hiệu chỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương như: tin nhắn, bài viết, hình ảnh/infographic, videoclip, audiospot...; tổ chức các chương trình truyền thông, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, giải đáp thắc mắc. Tham gia các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội do Bộ Y tế thực hiện.

Hoạt động đường dây nóng của địa phương cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời cho người dân về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Căn cứ tình hình địa phương, thực hiện tin nhắn SMS khi cần thiết để gửi đến các thuê bao di động trên địa bàn để khuyến cáo người dân tham gia tiêm chủng an toàn.

Hoàn chỉnh thông điệp truyền thông phù hợp tình hình địa phương: sử dụng, cập nhật, bổ sung các tài liệu truyền thông tại Kho dữ liệu điện tử tài liệu truyền thông phòng chống dịch COVID-19 và tiêm vắc xin phòng COVID-19 (https://1drv.ms/u/s!Amm0pPafka61grRw2dJqjAsJoGsYyQ?e=EyOUnx) phù hợp điều kiện địa phương. Chú trọng các tài liệu một số tiếng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, cung cấp cho các cơ sở tiêm chủng, một số tiếng nước ngoài... Sử dụng để truyền thông cho người đi tiêm chủng, cho cán bộ y tế, cán bộ tiêm chủng...

Tác giả: Hải Hoà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

SSKDT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây