Chiều 1/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị đánh giá tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của các tỉnh, thành phố phía Nam.Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu của 19 tỉnh, thành phố phía Nam gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan dự tại điểm cầu Bình Phước.
Hội nghị tập trung và các vấn đề: Tiến độ triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; kết quả thực hiện tiêm chủng đối với các loại vắc xin; độ bao phủ vắc xin đối với mỗi tỉnh, thành phố, trong đó cụ thể số lượng người tiêm mũi 1 và mũi 2 đối với từng loại vắc xin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh phát biểu tại hội nghị
Các địa phương phải báo cáo cụ thể số lượng vắc xin chưa sử dụng của mỗi loại, cũng như đề xuất nhu cầu số lượng vắc xin cần tiêm thời gian tới. Đồng thời, báo cáo số lượng trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đang có nhu cầu tiêm vắc xin để có phương án tiêm chủng trong thời gian tới.
Hiện Bình Phước được phân bổ trên 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 với 4 loại gồm: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell. Trong đó, đã chuyển về tỉnh trên 644 ngàn liều và đã sử dụng hết, còn hơn 393 ngàn liều tỉnh chưa tiếp nhận. Đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 trên địa bàn tỉnh đạt 74,5%, mũi 2 đạt 15,6% so với số dân cần tiêm.
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn cũng đã đề xuất với Bộ Y tế, hiện Bình Phước có nhu cầu hơn 115 ngàn liều vắc xin để tiêm mũi 2, trong đó AstraZeneca là 83 ngàn liều, Pfizer là 32 ngàn liều. Bên cạnh đó cần thêm 600 ngàn liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm cho 300 ngàn đối tượng đang cần tiêm.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế của một số địa phương không thực hiện nghiêm theo quy định việc phân bổ vắc xin của Bộ Y tế khiến ảnh hưởng đến việc điều phối, phân bổ vắc xin đến với các địa phương khác.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương phải chấn chỉnh lại phương pháp điều hành tiêm chủng vắc xin; việc quản lý tích hợp dữ liệu tiêm chủng về dữ liệu quốc gia.
Việc cập nhật tất cả nguồn vắc xin của mỗi địa phương phải thường xuyên, liên tục để việc quản lý vắc xin, tiêm chủng đạt hiệu quả hơn nữa. Không để tình trạng nơi thiếu, nơi thừa vắc xin, bỏ lọt đối tượng cần tiêm.
Sau khi kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đánh giá tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh rất nhanh chóng. Bộ Y tế triển khai, phân bổ vắc xin đến đâu tỉnh đã tiêm hoàn tất sớm nhất.
Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế và một số ngành liên quan sớm hoàn thành tiêm chủng đối với các đối tượng ưu tiên như: người cao tuổi, có bệnh lý nền. Sau khi hoàn tất các đối tượng này phải tiến hành lên kế hoạch tiêm chủng đợt thứ 20 trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, rà soát thống kê số trẻ em có nhu cầu tiêm vắc xin để có phương án tiêm chủng phòng Covid-19 cụ thể. Phải linh hoạt tạo điều kiện cho các đối tượng di chuyển cơ học được tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên, bố trí nguồn vắc xin tiêm cho người lao động trở lại tỉnh tham gia vào sản xuất tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp nhằm thu hút lao động cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế được an toàn.
Riêng vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêm chủng phòng Covid-19, giao cho Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hỗ trợ, đôn đốc, giải quyết các vấn đề về cập nhật dữ liệu lên nền tảng hệ thống tiêm chủng./.