Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Phước.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT tại cuộc họp nêu rõ, từ ngày 7/2 đến 16/2, cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho trẻ mầm non học trực tiếp; 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh cấp tiểu học học trực tiếp; 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh cấp THCS, THPT học trực tiếp. 100% cơ sở giáo dục đại học cũng đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Tổng số học sinh học trực tiếp trên toàn quốc là hơn 21 triệu em, đạt 93,71%. Theo kế hoạch, từ ngày 21-2, ở cấp mầm non, 59/63 tỉnh, thành phố sẽ cho toàn bộ trẻ mầm non trở lại trường; 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học, THCS, THPT học trực tiếp.
Việc mở cửa trường học trở lại cũng gặp những khó khăn, hạn chế. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến. Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Việc giãn cách học sinh theo quy định còn khó khăn; vướng mắc trong tổ chức bán trú, học 2 buổi. Một số phụ huynh chưa yên tâm cho con đi học trực tiếp, nhất là với cấp mầm non và tiểu học…
Nhìn chung, chủ trương kiên quyết mở cửa trường, đưa học sinh trở lại học trực tiếp cơ bản được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia… đồng tình ủng hộ, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Tại cuộc họp, các địa phương đã báo cáo nhanh tình hình triển khai tổ chức dạy học trực tiếp; các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh và phương án xử lý khi phát hiện F0, F1 trong trường học. Các địa phương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ mầm non, học sinh đến trường đảm bảo an toàn; quan tâm đầu tư kinh phí, nhân lực y tế cơ sở cho các trường học. Đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1. Có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện khoảng cách khi học trực tiếp, việc tổ chức bán trú an toàn trong trường học. Các bộ, ngành, địa phương cũng đề nghị đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin truyền thông; có giải pháp triệt để nhằm giảm thiểu lo lắng cho phụ huynh khi cho con em trở lại trường; việc mở cửa trường học an toàn cần đi đôi với quan tâm đến chất lượng giáo dục.
Chủ trì cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc đi học của trẻ là điều quan trọng. Dịch bệnh có thể chưa chấm dứt ngay được, vì vậy trên tinh thần không mất cảnh giác, không cực đoan, phải khôi phục lại các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới trên phương châm “thích nghi an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Phó thủ tướng yêu cầu vẫn phải tiếp tục tổ chức kiện toàn các phần mềm chương trình học trực tuyến; thực hiện chương trình tiêm chủng theo định hướng của Bộ Y tế. Đồng thời yêu cầu Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn xét nghiệm trong trường học. Việc cách ly F1, thực hiện khoảng cách trong trường học cần linh hoạt. Đặc biệt, công tác truyền thông phải được thực hiện liên tục, xuyên suốt, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhất là các bậc phụ huynh về việc cùng với ngành giáo dục đưa con em trở lại trường học an toàn.
Bình Phước hiện có 237/428 cơ sở giáo dục thực hiện dạy và học trực tiếp với tổng số học sinh tham gia học trực tiếp là hơn 119.400 em. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ theo nội dung, hướng dẫn của các cấp, ngành với yêu cầu cao nhất là đảm bảo môi trường học tập an toàn khi học sinh đi học trực tiếp./.
Tác giả: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc