Các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hạn, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan trong khôi phục lại các hoạt động kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới, "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học, sáng 17/2.
Phó Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, các điều kiện, năng lực phòng, chống dịch trong nước đã khác với tỉ lệ bao phủ vaccine cao; đã có thuốc, kinh nghiệm và phác đồ điều trị; ý thức của người dân khá tốt… từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Việc mở cửa lại trường học là yêu cầu bức thiết, khi trẻ ở nhà lâu sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường, không chỉ chậm chương trình học văn hóa, kiến thức, mà còn tác động rất lâu dài đến sự phát triển của các cháu.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng để sớm cho trẻ đến trường an toàn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
"Sau hơn một tuần thực hiện cho trẻ trở lại trường, chúng ta tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá lại những gì cần chú ý, điều chỉnh, chuẩn bị thêm để trẻ đến trường an toàn", Phó Thủ tướng nói.
Theo các nghiên cứu khoa học, SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện biến chủng. Tiêm phòng vaccine là biện pháp quan trọng để giảm tỉ lệ lây nhiễm, hoặc có nhiễm thì giảm tỉ lệ chuyển nặng, phải nhập viện, tử vong.
Tuy nhiên, nhóm trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine nên yếu tố giảm tỉ lệ lây nhiễm chưa có. Vì vậy, nếu trường học mở lại như khi chưa có dịch thì khả năng số trẻ nhiễm COVID-19 (F0) sẽ tăng rất nhanh, có thể dẫn đến quá tải hệ thống y tế. Bên cạnh đó, tỉ lệ chuyển nặng của trẻ nhiễm COVID-19 lại rất thấp. Đây là hai yếu tố cần tính toán để có các biện pháp ứng phó, kiểm soát hiệu quả, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm của trẻ khi trở lại trường, không làm vượt quá khả năng của ngành y tế trong trong xét nghiệm, điều trị, cách ly ca mắc trong trường học.
Trẻ trở lại trường đúng lúc, kịp thời
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, tính từ ngày 7/2 đến nay, tổng số học sinh học trực tiếp là 21.001.019/22.409.817 em, chiếm 93,71% tổng số học sinh.
Nhìn chung, việc đưa học sinh tới trường học trực tiếp được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Là địa bàn có quy mô trường học lớn nhất cả nước (hơn 12.800 trường), nhưng số ca mắc/ngày luôn dẫn đầu cả nước (gần 4.000 ca/ngày), đại diện UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ Y tế sớm có phác đồ điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 ở các cơ sở y tế, đặc biệt thông tin đến các gia đình nắm được để có biện pháp phòng, chống và điều trị; sớm có vaccine tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu vaccine tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thông tin, Thành phố đã thí điểm cho học sinh cuối cấp THCS, THPT đã tiêm vaccine được đi học lại từ tháng 12/2021, tháng 1/2022, học sinh từ lớp 7 đã trở lại trường, và từ ngày 14/2 học sinh tất cả các khối lớp đã đi học trở lại. Đến nay, tỉ lệ học sinh đến lớp, từ lớp 6 trở lên, đạt trên 93%; 72% phụ huynh đồng thuận cho học sinh mầm non đến trường.
Song song với việc học trực tiếp, các trường học ở TPHCM vẫn tiếp tục duy trì các hình thức học trực tuyến đối với những em chưa có điều kiện đi học trở lại.
"Việc đưa trẻ trở lại trường ở TPHCM dựa nguyên tắc linh hoạt, tổ chức dạy học trực tiếp phải diễn ra liên tục, ổn định, có sự yên tâm, xử lý ca nhiễm phát sinh hiệu quả, khoanh gọn nhất, tác động ít nhất. Đáng chú ý, đến nay, trong số học sinh nhiễm COVID-19, chưa có trường hợp nào chuyển nặng", ông Dương Anh Đức cho biết.
Cơ bản kiểm soát dịch COVID-19, đại diện UBND TP. Hải Phòng khẳng định, trên tinh thần chung không chủ quan, không sợ hãi, không đóng cửa, "kể cả có một học sinh đi học trực tiếp trở lại vẫn mở cửa trường học"; tổ chức linh hoạt, kết hợp dạy và học trực tiếp, trực tuyến; khuyến khích phụ huynh cho học sinh đi học trực tiếp, thực hiện công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh trong điều kiện giảng dạy và học tập trực tiếp.
Đại diện các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang cho rằng, những yếu tố quan trọng để đưa trẻ trở lại trường là kinh nghiệm phòng, chống dịch; tỉ lệ tiêm vaccine cho giáo viên, học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi cao; sự đồng thuận, tập trung của cả hệ thống chính trị với những phương án cụ thể, rõ trách nhiệm với từng khâu, từng thành viên ban chỉ đạo các cấp...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu thực tế, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỉ lệ giáo viên, học sinh mắc COVID-19 tăng mạnh khiến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến.
Một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học đến trường.
Bên cạnh đó, một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò, đặc biệt đối với cấp mầm non và tiểu học.
Còn lúng túng khi xử trí F0, F1 trong trường học
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0.
Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp. Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả, gây phản ứng không cần thiết.
Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục rất khó thực hiện việc giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông, vẫn còn hiện tượng học sinh các lớp tương tác trực tiếp trong giờ nghỉ giải lao.
Việc rà soát, phân loại học sinh để củng cố, bổ sung kiến thức khi học sinh trở lại trường gây khó khăn cho các trường trong việc bố trí giờ dạy, có thể phát sinh kinh phí... Nhiều nơi còn thiếu giáo viên (đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học), nhân lực y tế; kinh phí chi cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch (nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, kit xét nghiệm nhanh…).
Các địa phương kiến nghị thống nhất quy trình xác định F1, rút ngắn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ mầm non, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học.
Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc xét nghiệm sàng lọc học sinh khi tới lớp; đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn trong điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ mắc COVID-19, tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội; cho ý kiến chuyên môn về phòng, chống dịch đối với việc cho trẻ em tới trường nhưng chưa được tiêm vaccine; việc tổ chức ăn bán trú, học hai buổi...
Lãnh đạo Ủy ban Văn hoá-Giáo dục, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng vấn đề cử tri, người dân quan tâm nhất hiện nay là đưa học sinh sớm trở lại trường, an toàn, giảm thiểu rủi ro, đáp ứng chất lượng dạy học.
Để tạo sự thống nhất, đồng thuận của người dân, xã hội thì yếu tố chuyên môn về giáo dục, y tế là quyết định. Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế phải có những hướng dẫn cụ thể, kịp thời, rõ ràng thì các địa phương mới thực hiện được thuận lợi. Chúng ta cần tuyên truyền, làm rõ trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh, xã hội trong tạo điều kiện học tập an toàn cho học sinh.
Sớm hướng dẫn về xét nghiệm trong trường học
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, từ ngày 1-15/2, cả nước ghi nhận khoảng 329.000 ca mắc COVID-19, trong đó, số ca mắc từ 5-18 tuổi là 28.314 ca (chiếm khoảng 8,6%); trẻ dưới 5 tuổi mắc COVID-19 khoảng 15.800 trường hợp (chiếm 4,8%).
Ngày 29/12, Bộ Y tế đã có hướng dẫn 11042/BYT-DP về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19, quy định thời gian điều trị, cách ly, xét nghiệm đối với ca mắc, trường hợp F1…
"Đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Y tế cũng như Sở GD&ĐT không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp. Chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu rõ.
Liên quan đến việc tổ chức học bán trú, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, không có khác biệt về nguy cơ lây nhiễm cho học sinh học một buổi, 2 buổi, có bán trú, vì vậy các trường học đủ điều kiện, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch có thể tổ chức học bán trú cho học sinh để tạo thuận tiện, giảm phiền hà cho phụ huynh, gia đình các em.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng ghi nhận ý kiến của các địa phương và cho biết sẽ sớm có hướng dẫn về xét nghiệm trong trường học; sổ tay chăm sóc, điều trị cho học sinh bị nhiễm COVID-19...
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đi học của trẻ em luôn rất quan trọng không chỉ khi có dịch bệnh. Việc học của trẻ còn liên quan đến vấn đề bảo đảm nhân lực, lao động trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Với những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của virus SARS-CoV-2, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hạn, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan, khôi phục lại các hoạt động kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới, "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".
Việc đưa trẻ trở lại trường phải có sự chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc, không áp dụng cứng nhắc, máy móc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn,… đồng thời tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm".
Các phương án phòng, chống dịch trong nhà trường cần hết sức chi tiết, liên tục cập nhật, tập huấn, hướng dẫn, truyền thông xuyên suốt.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo định hướng của Bộ Y tế; kiểm soát được tốc độ lây nhiễm trong trường học, có phương án xử lý ca nhiễm, F1 hợp lý, nhất là liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị… Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn vấn đề xét nghiệm trong trường học; theo dõi sức khoẻ trẻ em bị bệnh nền, có vấn đề về sức khoẻ; thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em là F1; học bán trú…
Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức, kiện toàn các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình như một phần của chương trình cải cách giáo dục toàn diện chứ không chỉ trong thời gian dịch bệnh./.
Tác giả: Theo VGP News
Ý kiến bạn đọc