OAZLO

Tiêm mũi vaccine tăng cường có thể ngăn ngừa biến thể Omicron?

Chủ nhật - 12/12/2021 20:53 674 0
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Sheba (Israel) ngày 11/12 công một kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer có thể làm tăng đáng kể khả năng chống chọi với Omicron, tuy nhiên so với Delta, hiệu quả "phòng vệ" vaccine của Pfizer trước Omicron lại thấp hơn 4 lần. 

Theo TTXVN, đề tài nghiên cứu do Tiến sĩ Gili Regev Yochay – Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học Bệnh truyền nhiễm - làm chủ nhiệm đã lấy mẫu máu của 40 nhân viên y tế tại Bệnh viện Sheba, trong đó 20 người đã được tiêm mũi tăng cường (mũi 3) phòng COVID-19 cách đây 1 tháng và 20 người chỉ mới tiêm mũi vaccine thứ 2 cách đây 5-6 tháng.

Kết quả cho thấy kháng thể của những người chỉ tiêm 2 mũi không thể chống trả biến thể Omicron, mặc dù vẫn có khả năng chống chọi với biến thể Delta và chủng ban đầu của virus SARS-CoV-2.

Ở người tiêm đủ 3 mũi, khả năng tạo kháng thể đối với Omicron là có, song lại thấp hơn 4 lần so với đối với Delta.

Kết quả nghiên cứu này cũng tương tự kết quả nghiên cứu trước đó của Pfizer khẳng định vaccine của hãng cũng có khả năng phòng ngừa biến thể Omicron. 

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên mới là sơ bộ và nhóm chuyên gia cho biết hiện vẫn chưa rõ những người tiêm 2 mũi trong thời gian gần đây có khả năng miễn dịch như thế nào với biến thể mới.

Ở thời điểm chưa có vaccine phòng chống Omicron hiệu quả, nghiên cứu này sẽ là tiền đề để chính phủ các nước cân nhắc thực hiện tiêm chủng mũi tăng cường cho người dân vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tối đa sức khỏe của người dân. 

Israel bắt đầu triển khai tiêm bổ sung mũi 3 cho người dân kể từ tháng 8 vừa qua. Hiện vẫn còn hàng triệu người đủ điều kiện để tiêm mũi bổ sung nhưng vẫn chưa đi tiêm.

Cùng ngày 11/12, Bộ y tế Israel thông báo đã phát hiện tổng cộng 55 người dân nước này bị nhiễm biến thể Omicron. Trong đó có 36 người trở về từ nước ngoài gồm Nam Phi, Anh, Pháp, Mỹ, UAE, Belarus, Hungary, Italy và Namibia; 11 trường hợp lây nhiễm thứ phát từ những người trở về từ Nam Phi và Anh; và 8 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. 

Trước sự đe dọa của biến thể mới Omicron có thể gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 5, các cơ quan hữu quan Israel đang cân nhắc khả năng siết chặt các biện pháp kiểm soát đồng thời tính đến việc tiêm mũi vaccine bổ sung sau 3 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay.

 

Tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer có thể làm tăng đáng kể khả năng chống chọi với Omicron.

Theo TTXVN, nghiên cứu đầu tiên của Cơ quan An ninh y tế Vương Quốc Anh (UKHSA) về hiệu quả của vaccine đối với biến thể mới cho thấy trong số 581 người mắc biến thể Omicron đã tiêm hai mũi vaccine của hãng AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech, mức độ bảo vệ các ca bệnh xuất hiện triệu chứng thấp hơn nhiều so với biến thể Delta, song mức độ này đã tăng lên 70-75% hai tuần sau khi họ được tiêm mũi thứ ba.

Nghiên cứu cho thấy mức độ lây truyền biến thể Omicron giữa những người tiếp xúc gần cao gấp đôi so với biến thể Delta và phân tích ban đầu cho thấy những người đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 có nhiều khả năng tái nhiễm Omicron hơn so với biến thể Delta.

UKHSA cũng dự báo Omicron sẽ vượt Delta để trở thành biến thể thống trị vào giữa tháng 12, đồng thời cảnh báo với tốc độ các ca mắc Omicron tăng gấp đôi sau 2-3 ngày như hiện nay, số ca mắc biến thể này tại Anh sẽ vượt ngưỡng 1 triệu vào cuối tháng 12 này.

Tiến sĩ Mary Ramsay, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng tại UKHSA, cho biết những dữ liệu ban đầu này cần được xem xét một cách thận trọng, song số liệu cũng cho thấy những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 vẫn có nguy cơ mắc biến thể Omicron lớn hơn nhiều so với nguy cơ mắc biến thể Delta.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nhấn mạnh dữ liệu mới cho thấy tầm quan trọng của mũi tăng cường trong việc chống lại biến thể mới này.

Các nhà khoa học và lãnh đạo ngành y tế tịa Anh cho biết tỷ lệ lây nhiễm tăng cao có thể nhanh chóng gây áp lực lên Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS). Ngày 10/12, Anh ghi nhận 58.194 ca mắc mới COVID-19, chủ yếu là nhiễm biến thể Delta. Đây là mức ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Anh kể từ ngày 9/1.

Giáo sư dịch tễ học di truyền tại Đại học King’s College London, Tim Spector, cho rằng chính phủ sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp bổ sung để ngăn chặn biến thể Omicron và giảm số ca mắc nếu số người nhập viện tăng.

Trong khi đó, ông Matthew Taylor, Giám đốc điều hành Liên đoàn NHS, cảnh báo biến thể Omicron có thể khiến “thách thức chưa từng có” mà NHS đang phải đối mặt trở thành “không thể đối phó”.

Ông hoan nghênh động thái của chính phủ vào đầu tuần này khi kích hoạt Kế hoạch B phòng ngừa COVID-19, trong đó có quy định về đeo khẩu trang, làm việc tại nhà và "hộ chiếu vaccine", song nhấn mạnh chính phủ cần sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp hạn chế nếu cần thiết.

Giáo sư Spector cho biết thêm mặc dù Anh đã “phải trả giá” cho làn sóng dịch vào mùa Hè và mùa Thu, khả năng miễn dịch bổ sung sẽ giúp nước này vượt qua làn sóng Omicron.

Ông Marc Baguelin, giảng viên về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London đồng thời là thành viên của Nhóm Nghiên cứu khoa học mô hình đại dịch cúm của chính phủ, cũng cho rằng ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, các ca mắc và nhập viện vẫn sẽ tăng, song không vượt qua mức đỉnh của làn sóng dịch vào tháng 1. Theo ông, việc tiêm mũi tăng cường sẽ mang tính quyết định để đối phó với biến thể mới.

Tính đến ngày 10/12, gần 22,2 triệu người Anh (chiếm 38,6% dân số) đã tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19. Gần 46,7 triệu người (hơn 81%) đã tiêm 2 mũi và hơn 51,2 triệu người (89%) đã tiêm 1 mũi./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

SSKDT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây