Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bình Phước chịu ảnh hưởng nặng trong quý 3 năm 2021. Trong quý 4, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp về thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, nên về cơ bản đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” đề ra. Đó là đánh giá của UBND tỉnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa 10, diễn ra vào sáng nay 6/12. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021
Trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi cho biết: Trong năm 2021, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, tuy không đạt được như mong muốn nhưng khả năng thích ứng và phục hồi tiến triển khá tốt. Ngành công nghiệp và xây dựng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, đạt mục tiêu đề ra. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có những thay đổi phương thức hoạt động, bước đầu vận hành và bắt nhịp tốt trong điều kiện mới. Sản xuất công nghiệp đang từng bước vượt qua khó khăn và đạt được kết quả khả quan. Các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được duy trì, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; đây là bước mở đầu thuận lợi cho cả giai đoạn, tạo tiền đề quan trọng trong việc phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế cho các năm tiếp theo.
Cung, cầu sản phẩm hàng hóa thiết yếu đảm bảo đời sống, sinh hoạt của nhân dân; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, chăn nuôi với quy mô tập trung và theo chuỗi giá trị tiếp tục phát triển mạnh gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Huy động ngân sách nhà nước đã có nhiều nỗ lực phấn đấu. Hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu tiếp tục phát triển mạnh. Việc đổi mới chính sách, cơ chế điều hành tiếp tục có những tác động tích cực, thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển hợp tác xã đạt kế hoạch đề ra.
Các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá - xã hội đã kịp thời có những chuyển biến phù hợp với thực tế. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được ưu tiên hàng đầu, nhất là công tác thu dung, điều trị các đối tượng nhiễm Covid-19. Các hoạt động về phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm luôn được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ; lây nhiễm trong cộng đồng được kiểm soát tốt. Các biện pháp đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được triển khai thực hiện nghiêm, tai nạn giao thông giảm trên cả ba tiêu chí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021. Trong đó, rõ nét nhất là sự giảm sút của hoạt động thương mại, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, đã hạn chế đến tăng trưởng chung. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thực hiện tăng 5,35%, tuy không đạt kế hoạch đề ra là 8,5%, nhưng đây là mức tăng trưởng khá cao, hơn tốc độ tăng trưởng GDP cả nước (dự ước 3 - 3,5%). Trong đó, ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh tăng 3,88%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,3% (công nghiệp tăng 17,75%), dịch vụ giảm 0,94%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,67%.
GRDP bình quân đầu người đạt 74,1 triệu đồng, tăng 9,6% so với năm 2020. Thu ngân sách đã có nhiều giải pháp và quyết tâm cao, ước thực hiện 12.810 tỷ đồng, đạt 99% so với Nghị quyết điều chỉnh của HĐND tỉnh, tăng 10% so với năm 2020. Tiến độ thi công công trình chưa thật sự nỗ lực sau giãn cách xã hội, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng khá cao so với cùng kỳ, khả năng thích ứng trước khó khăn của các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
Việc dạy và học trực tuyến gặp một số khó khăn cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa. Chỉ số PAPI năm 2020 của tỉnh đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố, giảm 12 bậc so với năm 2019 và nằm trong nhóm đạt điểm trung bình thấp của cả nước, cần phải có những giải pháp cụ thể, khả thi và phấn đấu cao. Đời sống một bộ phận người dân chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là các lao động thuộc ngành buôn bán, tiểu thương ở các chợ truyền thống, lao động phổ thông... Tình trạng lây nhiễm dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, khó dự báo./.