Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh đã thành lập, duy trì tốt hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp. Chỉ đạo tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ của đơn vị về công tác quân y phòng, chống dịch trong LLVT tỉnh; triển khai kế hoạch bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt, làm việc cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị, bảo đảm vừa làm việc vừa giãn cách phòng, chống dịch Covid-19; phương án phong tỏa, xử lý tình huống khi có trường hợp nhiễm Covid-19 trong đơn vị; phương án, chuẩn bị bảo đảm để xử lý tình huống nếu có quân nhân tử vong do dịch Covid-19. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch trên địa bàn tỉnh và Quân khu 7 để tổ chức sinh hoạt, quán triệt, tuyên truyền, tập huấn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đến 100% cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh.
Đại tá Vũ Tiến Điền, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh tặng quà hỗ trợ nhân dân trên tuyến biên giới trong phòng, chống dịch Covid-19
Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức lực lượng tham gia phòng, chống dịch gồm 1.404 người (bộ đội thường trực 173 người, dân quân 1.231 người), lực lượng trên tuyến biên giới 174 người (bộ đội thường trực 56 người, dân quân 118 người) tại 107 chốt liên ngành (đồn biên phòng 16 chốt; trạm biên phòng 4 chốt; 11 chốt dân quân biên giới; 65 chốt cố định; 11 chốt lưu động). Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập khu vực tiếp nhận công dân cách ly theo từng cấp độ dịch, cấp độ 2,3 bố trí 47 khu/7.312 giường; cấp độ 4,5 bố trí 53 khu/7.732 giường (Bộ CHQS tỉnh quản lý 11 khu/1.118 giường; ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố quản lý 42 khu/6.614 giường). Các huyện, thị xã, thành phố thành lập 103 khu/9.189 giường tại các xã, phường, thị trấn; khảo sát 176 điểm/24.713 giường tại các trường học trong tỉnh; thành lập 7 bệnh viện dã chiến/730 giường, 17 cơ sở điều trị/540 giường tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Triển khai kế hoạch mở rộng Bệnh xá K23 lên 80 giường, Bệnh viện dã chiến tại Trung đoàn 736 gồm 300 giường để sẵn sàng điều trị bệnh nhân Covid-19 là cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh.
Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn, dự trữ lương thực, thực phẩm bảo đảm cho tình huống cấm trại dài ngày và tham gia phòng, chống dịch (thường xuyên bảo đảm đủ 21 ngày trở lên). Tổng kinh phí địa phương bảo đảm hậu cần cho công tác phòng, chống dịch gần 14 tỷ đồng. Đặc biệt các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã thực hiện và duy trì nghiêm công tác phòng, chống dịch, đảm bảo đơn vị an toàn tuyệt đối và không để dịch lây lan vào cơ quan, đơn vị. Đồng thời tiếp nhận và bàn giao tro cốt nạn nhân tử vong do dịch Covid-19 về cho địa phương và gia đình bảo đảm trang trọng, đúng thủ tục.
Cùng nhân dân vượt qua đại dịch
“Chống dịch, cứu dân”, cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, dự bị động viên trong LLVT tỉnh đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm. Trong tổ chức thực hiện luôn chủ động, sáng tạo, đồng sức, đồng lòng trên quan điểm được xác định giúp dân là chức năng, nhiệm vụ, mệnh lệnh từ trái tim của cán bộ, chiến sĩ. Bộ CHQS tỉnh đã huy động 688 lượt cán bộ, chiến sĩ, với 1.279 ngày công hỗ trợ nhân dân thu hoạch gần 50 tấn nông sản, hàng hóa; giúp 30 hộ dân sơ tán khỏi vùng bị ngập úng do thiên tai gây ra. Đồng thời, phối hợp công an, các lực lượng chức năng điều tiết, hỗ trợ 4 xe khách, đưa 57 người của các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Chơn Thành, Phú Riềng về địa phương và 50.857 người, phương tiện từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương về các tỉnh Tây nguyên đi qua địa bàn Bình Phước.
Nhiều hoạt động đã được Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với chủ trương “Đơn vị, địa phương tuyến sau hỗ trợ, giúp đỡ đơn vị, địa phương tuyến trước; ngoài vùng dịch hỗ trợ, giúp đỡ trong vùng dịch; vùng có dịch ít hỗ trợ vùng có dịch nhiều”.
Bộ CHQS tỉnh cũng chỉ đạo nghiên cứu, có sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch như: Thiết kế, lắp đặt hệ thống phun khử khuẩn trên 26 xe quân sự, trong đó có 10 xe vận tải quân sự giúp Bộ CHQS tỉnh Bình Dương; lắp đặt hệ thống phun khử khuẩn tự động cho các đơn vị trong LLVT tỉnh; 4 hệ thống buồng khử khuẩn xe ôtô (cổng Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Bệnh viện dã chiến TP. Đồng Xoài, cổng Bệnh viện dã chiến Bình Long); 7 hệ thống buồng khử khuẩn toàn thân, 1 buồng khử khuẩn tự động cho xe ôtô, 3 buồng khử khuẩn toàn thân bằng sương siêu âm, 3 khu khử khuẩn nhà vệ sinh Bệnh viện dã chiến TP. Đồng Xoài và khu cách ly Trung đoàn 736. Tổng trị giá gia công, lắp đặt hơn 2,8 tỷ đồng.
Đến nay, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ, vận động, tiếp nhận và vận động phối hợp hỗ trợ hơn 58 tấn nhu yếu phẩm; 900 tấn rau, củ, quả; 51 tấn trái cây; 84 tấn gạo; 9.000 thùng mì gói; 3.780 bánh tét; 12.754 suất quà; 7.164 suất ăn; 2.820 túi an sinh... Tổng số tiền trực tiếp hỗ trợ, vận động, tiếp nhận và vận động phối hợp hỗ trợ hơn 50 tỷ đồng. |
Ngoài ra, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ 9 tỷ đồng; phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 380 triệu đồng, Bộ CHQS tỉnh và ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho các tiểu khu quân sự và kiều bào đang sinh sống tại 3 tỉnh Kratie, Mundulkiri, Tbong Khmum thuộc Vương quốc Campuchia về vật tư y tế, nhu yếu phẩm và tiền mặt. Tổng trị giá các hoạt động nêu trên gần 15 tỷ đồng.
Phong trào thi đua đặc biệt “Chống dịch, cứu dân” trong LLVT tỉnh đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Càng trong gian khó càng sáng rõ tình cảm sâu nặng, nghĩa tình trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đối với nhân dân. Phát huy kết quả đạt được, LLVT tỉnh quyết tâm cùng cả hệ thống chính trị tạo thành sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19./.
Tác giả: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc