Dịch Covid-19 tại Bình Phước vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển hằng năm và chiến lược lâu dài của tỉnh. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần có những giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” - kết hợp vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh.
Cần những chính sách hỗ trợ về thuế, tài chính phù hợp, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi. Trong ảnh: Một góc nhà máy chế biến gỗ thuộc Công ty cổ phần Phúc Thịnh, Khu công nghiệp Đồng Xoài I
Thống nhất quan điểm
Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi ở Bình Phước gần đạt 100%, tiêm ở độ tuổi từ 12 đến 17 cũng đạt cao. Hơn nữa, thời gian qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến nền kinh tế trên nhiều ngành, lĩnh vực. Đây chính là thời điểm, cũng là thời cơ cho phép đẩy nhanh, mạnh các giải pháp thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” - kết hợp vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trước hết, muốn làm được điều này, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phải chung một ý chí, phải cùng một quan điểm, đó là: Phải xem vắc xin là giải pháp bảo vệ tính mạng. Tập trung nâng cao năng lực điều trị, rút gắn thời gian điều trị và giảm thiểu tỷ lệ tử vong do Covid-19. Bảo đảm ổn định kinh tế, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển. Bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu kế hoạch 5 năm và hàng năm của tỉnh. Hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, góp phần khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết, vai trò của hệ thống chính trị tại tỉnh trong tổ chức thực hiện.
Đồng bộ giải pháp
Muốn thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” kết hợp vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần phải có một hệ thống các giải pháp, đúng như quan điểm “Nhiệm vụ 1, giải pháp 10, quyết tâm 20”.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Phước đạt mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,88%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,3%; dịch vụ giảm 0,94%. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã kịp thời thích ứng với phương thức hoạt động mới. Thu ngân sách thực hiện 13.500 tỷ đồng, đạt 104% chỉ tiêu điều chỉnh của HĐND tỉnh giao.
Với một năm đầy khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, những kết quả mà Bình Phước đạt được rất đáng mừng. Dẫu vậy, việc thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch cần đẩy nhanh hơn nữa. Trong đó, yêu cầu bắt buộc là phải triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, rà soát, hoàn thiện quy định phòng, chống dịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiết giảm chi phí. Vì vậy, cần mạnh dạn thí điểm và thực hiện lộ trình mở cửa phù hợp đối với các dịch vụ buôn bán, dịch vụ giải trí trên cơ sở có sự tính toán kỹ lưỡng bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tạo điều kiện thuận lợi về lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Gần đây, dịch đã lây lan vào các công ty, doanh nghiệp, các khu công nghiệp nên việc bảo đảm sản xuất an toàn là nhiệm vụ hàng đầu. Cần chú trọng thúc đẩy xã hội hóa, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch và ưu tiên nguồn lực cho đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.
Quan tâm đến an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm
Ngày 30/6/2021, Bình Phước ghi nhận ca dương tính đầu tiên với Sars CoV-2. Từ đây, công tác phòng, chống dịch của tỉnh bước vào giai đoạn mới, với một chiến lược mới. Chiến lược kết hợp giữa phòng thủ với tấn công. Dẫu vậy, đợt bùng phát dịch này có quy mô lớn hơn, lây lan mạnh hơn đã gây nhiều khó khăn cho tỉnh, đe dọa trực tiếp đến đời sống, sức khỏe và tính mạng của gần 1 triệu dân Bình Phước. Trong bối cảnh ấy, đời sống nhân dân, nhất là lực lượng công nhân cả trong và ngoài khu công nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã trở lại hoạt động nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và đang cần sự hỗ trợ cho cả chủ sử dụng lao động và người lao động.
Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và hộ kinh doanh
Năm 2021, thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục đạt kết quả khá. Đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, ước thu hút 70 dự án, với số vốn 600 triệu USD, gấp 2 lần về số dự án, 3 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2020, vượt 1,5 lần so với kế hoạch điều chỉnh năm 2021. Thu hút đầu tư trong nước được gần 100 dự án, với số vốn 10.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Năm 2021 có 1.020 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 21.700 tỷ đồng, bằng 80,5% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp thành lập mới trong năm đang gặp không ít khó khăn. Do đó, cần tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí. Tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ lãi suất cho vay hợp lý trong một số ngành, lĩnh vực. Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Có chính sách hỗ trợ phù hợp cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, chế biến nông sản, công nghiệp chế biến, dịch vụ, thúc đẩy khởi nghiệp.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Trong sự phát triển tổng thể của Bình Phước thì thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước là một trong những ưu tiên hàng đầu. Do đó, tỉnh luôn quan tâm đến chính sách thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và luôn đồng hành với doanh nghiệp. Quan điểm về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của Bình Phước luôn nhất quán: “Xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”. Vì vậy, tỉnh đã và đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xử lý trên nền tảng trực tuyến. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư. Tập trung nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước ở lĩnh vực đầu tư, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các chính sách.
Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Khi đại dịch Covid-19 xâm nhập vào tỉnh đã ngay lập tức tạo ra những tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống. Trong bối cảnh ấy, Bình Phước đã nỗ lực không ngừng nghỉ để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỉnh đang từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới nhưng cần thiết phải đẩy nhanh việc thích ứng an toàn, hiệu quả với Covid-19. Khó khăn hiện tại chỉ mang tính thời điểm, yếu tố cơ bản là tiềm năng, lợi thế và các động lực mới cho sự phát triển dài hạn của tỉnh. Việc thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt các giải pháp sẽ thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế của tỉnh trong bối cảnh vừa phải thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội./.
Tác giả: Xuân Nguyên
Ý kiến bạn đọc