Chỉ định xét nghiệm COVID-19
Các trường hợp nghi ngờ cần làm xét nghiệm khẳng định nhiễm SARS-CoV-2.
Lấy bệnh phẩm: dịch hầu họng, dịch mũi họng để xét nghiệm.
Khi âm tính nhưng vẫn nghi ngờ về lâm sàng, cần lấy mẫu bệnh phẩm dịch hút phế quản, hoặc dịch rửa phế quản, rửa phế nang. Nếu đang thở máy thì lấy bệnh phẩm dịch đường hô hấp dưới.
Không dùng xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng SARS-CoV-2 để chẩn đoán đang mắc COVID-19.
Xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 sử dụng để phát hiện kháng nguyên của vi rút.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 trong quá trình điều trị người bệnh được chỉ định theo yêu cầu cụ thể của bác sĩ điều trị trên từng người bệnh.
Cấy máu nếu nghi ngờ hoặc có nhiễm trùng huyết, cấy máu cần xác định các căn nguyên vi khuẩn, nấm nếu có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ nhiễm trùng, nhiễm nấm huyết.
Bệnh phẩm được lấy theo quy định chuyên môn nên lấy 2 mẫu ở 2 vị trí, cùng thời điểm.
Cấy bệnh phẩm đường hô dưới nếu nghi ngờ hoặc có nhiễm khuẩn bội nhiễm. Cần xét nghiệm xác định căn nguyên vi khuẩn, nấm nếu có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ.
Các bệnh phẩm đường hô hấp dưới bao gồm: Đờm, dịch hút nội khí quản, dịch rửa phế quản, dịch rửa phế nang. Ngoài ra, các bệnh phẩm khác (nước tiểu, mủ, phân, dịch các khoang vô trùng, dịch dẫn lưu…) cũng cần được xác định căn nguyên vi khuẩn, nấm nếu có dấu hiện gợi ý nhiễm khuẩn kèm theo.
Bệnh phẩm được lấy theo quy định chuyên môn để xác định căn nguyên gây nhiễm trùng. Lấy mẫu cấy bệnh phẩm xét nghiệm ở các cơ quan nếu nghi ngờ có nhiễm trùng.
Các bệnh phẩm nuôi cấy máu, hô hấp và các bệnh phẩm vi sinh khác có thể chỉ định lập lại sau 2 - 3 ngày ở các người bệnh có dấu hiệu nhiễm khuẩn, nhiễm nấm nặng để theo dõi sự xuất hiện các tác nhân mới, tác nhân kháng thuốc trong quá trình điều trị.
Các xét nghiệm nhanh chẩn đoán căn nguyên do vi rút, vi khuẩn, xét nghiệm sinh học phân tử xác định tác nhân gây nhiễm trùng, nhiễm nấm và gene kháng kháng sinh như xét nghiệm PCR đa mồi có thể được sử dụng để phát hiện nhanh căn nguyên, điều trị kịp thời ở các cơ sở y tế có điều kiện.
5 mức độ phân loại bệnh COVID-19
Theo hướng dẫn mới này, có 5 mức độ phân loại bệnh COVID-19 gồm: Người nhiễm không triệu chứng, mức độ nhẹ, mức độ trung bình, mức độ nặng và mức độ nguy kịch.
Người nhiễm không triệu chứng: Người bệnh không có triệu chứng lâm sàng. Nhịp thở < 22 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.
Mức độ nhẹ: Người bệnh COVID-19 có các triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau đầu, đau mỏi cơ, chảy nước mũi, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy… Hô hấp không có triệu chứng viêm phổi hay khó thở, không giảm oxy máu; người bệnh tỉnh táo, tự phục vụ được; X-quang phổi bình thường hoặc có tổn thương ít.
Mức độ trung bình: Người bệnh có các triệu chứng lâm sàng như ở mức độ nhẹ. Về hô hấp, bệnh nhân có dấu hiệu thở nhanh 22 - 30 lần/phút, khó thở mức độ trung bình (khi làm việc nhà, lên cầu thang 1 tầng lầu), SpO2 ≥ 94% khi thở khí phòng; nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường; ý thức tỉnh táo; người bệnh không có dấu hiệu suy hô hấp nặng. X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực có tổn thương, tổn thương dưới 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B.
Mức độ nặng: Hô hấp có dấu hiệu suy hô hấp nặng như khó thở ngay cả khi nghỉ, nhịp thở > 30 lần/phút; thở co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 < 94% khi thở khí phòng; nhịp tim nhanh hoặc có thể nhịp tim chậm, HA bình thường hay tăng. Thần kinh bứt rứt hoặc mệt, đừ. X-quang ngực và/hoặc cắt lớp vi tính ngực có tổn thương phổi trên 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B nhiều. PaO2/FiO2 < 300 (hoặc SpO2/FiO2 < 315 khi không có khí máu động mạch).
Mức độ nguy kịch: Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, thuyên tắc mạch cấp, bão cytokine, đợt cấp bệnh mạn tính nặng, suy đa tạng.
Hô hấp có dấu hiệu suy hô hấp cấp nguy kịch với thở gắng sức nhiều, co kéo nặng cơ hô hấp phụ; có kiểu thở bất thường; cần cung cấp oxy > 6 lít/phút để duy trì SpO2 > 92% hoặc nhu cầu oxy tăng nhanh; cần hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy dòng cao (HFNC), CPAP hay thở máy xâm lấn; ý thức giảm hoặc hôn mê; nhịp tim nhanh hoặc chậm, huyết áp tụt; tiểu ít hoặc vô niệu. X-quang ngực và/hoặc cắt lớp vi tính ngực có tổn thương phổi trên 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B nhiều. PaO2/FiO2 < 200 (hoặc SpO2/FiO2 < 235 khi không có khí máu động mạch); PH < 7,3; PaCO2 > 50 mmHg; Lactat máu > 2 mmol/L.
Tác giả: hoa nguyen
Ý kiến bạn đọc